[Cảnh báo] 7 dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ

Quá trình mang thai kéo dài khoảng 40 tuần với nhiều những thay đổi trên cơ thể của mẹ. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, mẹ bầu cần biết những thay đổi nào là bình thường và thay đổi nào là bất thường. Hãy cùng Ú Òa tìm hiểu dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ mẹ cần vào viện kiểm tra nhé. 

dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
Những dấu hiệu nguy hiểm trong quá trình mang thai mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý

RA MÁU ÂM ĐẠO

Dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ mẹ có thể gặp là tình trạng ra máu âm đạo. Bất cứ ra máu, máu có thể sẫm màu, máu tươi, máu cục, số lượng nhiều hay ít… đều có thể báo hiệu một thai kỳ đang gặp vấn đề. Nó có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như chửa ngoài tử cung, dọa sảy, sảy thai, thai lưu, rau tiền đạo, rau bong non… 

Mỗi bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu và triệu chứng kèm theo khác nhau và cần được thăm khám tìm nguyên nhân bằng các thăm khám chuyên khoa. Nếu có biểu hiện ra máu khi mang thai mẹ cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh và an toàn nhất. Đừng chủ quan dù lượng máu mẹ thấy ra không quá nhiều.

ĐAU BỤNG

Trong những tuần đầu sau khi mất kinh, thử que 2 vạch, nếu thấy đau âm ỉ tăng dần (có hoặc không kèm theo ra máu) có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội và vã mồ hôi, có thể là biểu hiện thai ngoài tử cung dọa vỡ hoặc đã vỡ. Do đó những tuần đầu thai kỳ mẹ cần siêu âm kiểm tra xem thai đã vào buồng tử cung hay chưa, siêu âm bằng đầu dò âm đạo sẽ chính xác hơn siêu âm qua đường bụng.

Ở những tuần thai sau, triệu chứng đau bụng sẽ cần phải chú ý và vào viện kiểm tra nếu đó là đau bụng do cơn co tử cung. Cơn co tử cung xuất hiện sớm có thể là dấu hiệu của dọa sinh non, sinh non. 

Cách nhận biết cơn co tử cung 

Cơn co tử cung sẽ xuất hiện từ sừng tử cung bên phải sau đó lan ra và làm cứng toàn bộ tử cung, kết hợp với cảm giác đau ở bụng. Để kiểm tra cơn co, mẹ sẽ nằm ngửa trên giường, hai chân chống vuông góc với mặt giường để làm mềm các nhóm cơ ở thành bụng. Dùng hai tay nắn toàn bộ vụng bụng của mình. Nếu là cơn co tử cung mẹ sẽ thấy toàn bộ bụng cứng lên. Cơn co thường kéo dài khoảng 30 giây sau đó biến mất cho đến khi xuất hiện cơn tiếp theo.

dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
Đau bụng có thể là biểu hiện thai ngoài tử cung dọa vỡ hoặc đã vỡ

RA NƯỚC ÂM ĐẠO

Nếu thấy ra nước âm đạo bất cứ thời điểm nào khi mang thai có thể mẹ đã bị rỉ ối, vỡ ối non. Khi đó cần đến ngay cơ sở y tế để khám kiểm tra, tránh các biến chứng như nhiễm.  

Biểu hiện của chảy nước ối: 

  • Dịch ối có tính chất lỏng và loãng như nước, có thể trong hoặc lẫn gợn trắng của chất gây, không có mùi.
  • Ra ồ ạt làm ướt mảng lớn ở quần, thậm chí thấm ướt xuống ga giường. Hoặc rỉ rả ra liên tục không ngừng và kéo dài.
  • Một biện pháp để mẹ bầu nhận biết đó có phải nước ối hay không đó là thử bằng giấy quỳ tím, nếu quỳ chuyển xanh đậm thì khả năng cao đó là nước ối. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mẹ thử ra giấy quỳ xanh nhưng đó những nguyên nhân khác (ví dụ như nước tiểu, do quần lót không sạch,…) vì vậy trường hợp nghi ngờ mẹ cần đến bác sĩ để kiểm tra.

ĐAU ĐẦU, NHÌN MỜ

Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, đôi khi kèm theo buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ, còn được biết đến với tên gọi tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (biểu hiện co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai. Do đó, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu cũng như làm các thăm khám kịp thời khác.

dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
Nhìn mờ kèm theo buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ

 

CƠ THỂ BỊ PHÙ

Phù là biểu hiện thường gặp khi mang thai, đặc biệt là ở những tuần thai lớn. Sự chèn ép của tử cung làm máu từ chân không về tim khiến mẹ thấy triệu chứng phù 2 chi dưới. Tuy nhiên, nếu biểu hiện phù xuất hiện trên toàn thân, cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn… là những dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ. Lúc này, mẹ cần khám ở cơ sở y tế vì có thể đó cũng là một biểu hiện của tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật.

dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
Nếu bị phù trên toàn thân, cả ở mặt, mí mắt, tay… mẹ bầu cần đi khám ngay

SỐT TRÊN 38.5 ĐỘ

Sốt trên 38.5 độ là một trong những dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sốt do một số loại virus như cúm, Rubella, Zika… có thể gây dị tật cho bào thai. Do đó, khi thấy sốt > 38.5 độ mà không rõ nguyên nhân, mẹ nên thăm khám tại cơ sở y tế. Ở những tuần thai sau đó, sốt cao kéo dài nếu không hạ sốt được ở nhà bằng các biện pháp như chườm khăn hay dùng thuốc, mẹ cũng cần đến viện theo dõi tránh các biến chứng cho thai kỳ.

KHÔNG THẤY CỬ ĐỘNG THAI

Đếm cử động thai hàng ngày kể từ tuần thứ 26 của thai kỳ là một phương pháp an toàn, đơn giản để mẹ theo dõi sức khỏe của bé. Nếu thấy bé đạp yếu hoặc không có cử động khi so sánh với những ngày trước đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe của bé trong bụng mẹ. 

dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
Ở tuần thứ 26 mà không thấy bé đạp hoặc đạp yếu là biểu hiện của thai nhi đang không khỏe

Cử động của thai nhi 

-Thai nhi bắt đầu cử động từ rất sớm, trên siêu âm cử động của bé có thể quan sát được ở tuần 11-13 của thai kỳ, tuy nhiên lúc này các cử động của bé còn yếu nên mẹ sẽ không cảm nhận được chúng. 

– Trong thai kỳ thời điểm mẹ cảm nhận được thai máy sẽ thay đổi từ 18-22 tuần. Một số ít trường hợp mẹ có thể cảm nhận bé máy sớm ở tuần 16 hoặc muộn hơn ở tuần 22. Nếu mẹ có rau bám mặt trước thì mẹ sẽ cảm nhận bé đạp muộn và khó khăn hơn đấy.

-Các cử động của bé có thể giống như một cú đạp, đá, rung, lắc lư, cuộn tròn, thay đổi tư thế.

Cách đếm cử động của thai nhi 

– Tuy mẹ có thể cảm nhận bé máy từ sớm nhưng trước tuần 26 những cử động này sẽ không rõ ràng và đều đặn. Do đó đến tuần 26 của thai kỳ mẹ theo dõi cử động thai mới chính xác.

– Mỗi em bé sẽ có chu kỳ thức – hoạt động – ngủ khác nhau, mẹ hãy chọn 1 thời điểm nhất định trong ngày mà bé thường hoạt động nhất (thường là sau bữa ăn) để thực hiện đếm cử động thai.

– Hãy đặt tay lên bụng để cảm nhận và đếm số đợt cử động của bé trong vòng 1h. Thai nhi khỏe mạnh sẽ có ít nhất 4 cử động trong 1h.

– Nếu bé có ít hơn 4 cử động thai, mẹ bầu cần tiếp tục theo dõi và đếm trong 1h tiếp theo. Bé khỏe mạnh và bình thường nếu trong 2h bé có ít nhất 10 cử động.

– Bé có giảm cử động so với những ngày trước đó mẹ bầu cần vào viện siêu âm kiểm tra và theo dõi tim thai để đảm bảo bé vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Trên đây là những dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ mà mẹ bầu cần hết sức lưu ý để tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Mẹ có thắc mắc nào trong quá trình mang thai, sinh con và chăm con, hãy bình luận dưới bài viết, Ú Òa giải đáp cho mẹ nhé! Làm mẹ là quá trình thiêng liêng nhưng cũng rất vất vả. Nhưng mẹ đừng lo, vì đã có Ú Òa đây rồi, tại https://uoa.vn/, mẹ có thể tìm thấy những sản phẩm cho mẹ và bé chất lượng để hành trình làm mẹ được nhẹ nhàng hơn mẹ nhé!  

Nguồn: Tổng hợp từ Bibabo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *