Dùng ti giả có ảnh hưởng đến răng miệng trẻ?

Núm vú giả hay ti giả là một trong những sản phẩm phổ biến được nhiều bà mẹ cho con sử dụng. Ti giả ngoài việc giúp xoa dịu bé còn là giải pháp tuyệt vời đối với những trẻ có thói quen đưa mọi thứ lên miệng để mút. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về răng miệng do hậu quả của việc thường xuyên sử dụng ti giả trong một thời gian dài. Vậy, có nên cho trẻ dùng ti giả hay không? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Ú Òa

Có nên cho trẻ dùng ti giả không
Có nên cho trẻ dùng ti giả không?

TI GIẢ LÀ GÌ? 

Núm vú giả hay còn được gọi là ti giả là loại núm vú làm từ chất liệu cao su, chất dẻo, hoặc silicone an toàn cho trẻ sơ sinh ngậm. Dạng tiêu chuẩn của nó có một núm vú, lá chắn miệng và tay cầm đủ lớn để tránh cho trẻ bị nghẹt thở hoặc nuốt phải.

LỢI ÍCH CỦA TI GIẢ ĐỐI VỚI TRẺ EM 

Trước khi bàn đến việc có nên cho trẻ dùng ti giả không, chúng ta cần hiểu rõ được lợi ích và tác hại của ti giả đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trên thực tế, ti giả là một thứ rất phổ biến đối với các gia đình có con nhỏ. Cụ thể, ti nhỏ đem lại những lợi ích sau đây: 

– Việc cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả khi ngủ sẽ giúp hạn chế hơn nguy cơ đột tử khi ngủ (SIDS). Nguyên do là núm vú sẽ tạo ra khoảng trống giữa quần áo, khăn quấn, chăn… do đó giúp giảm thiểu nguy cơ bé bị ngạt thở khi ngủ dẫn đến tử vong.

– Núm vú giả vì có hình dạng tương tự như núm vú mẹ nên giúp bé hết khóc, quấy nhiễu. Khi cho trẻ ngậm ti giả thì trong thời gian đó người mẹ có thể tranh thủ làm một số việc khác.

– Đặc biệt, ti giả còn làm giảm khó chịu ở trẻ sinh non bú mẹ: Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non được sử dụng ti giả sẽ giúp giảm thời gian trẻ phải nằm lồng kính.

– Giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ ngủ hơn.

– Khi bé lớn hơn một chút, việc giúp con cai ngậm núm vú giả sẽ dễ dàng hơn so với việc chấm dứt thói quen mút tay của bé.

– Dùng ti giả còn là một phương pháp giúp bé cai sữa mẹ nhanh hơn và hiệu quả hơn. 

Có nên cho trẻ dùng ti giả không
Ngậm ti giả giúp bé an tâm hơn khi không có mẹ bế

DÙNG TI GIẢ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN RĂNG MIỆNG CỦA TRẺ? 

Bên cạnh lợi ích đem lại, ti giả cũng đi kèm với một số nhược điểm. Dùng ti giả sẽ ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ nếu trẻ sử dụng ti giả trong thời gian quá lâu. Một số vấn đề về răng miệng có thể gặp ở trẻ ngậm ti giả thời gian dài: 

– Tụt lợi và sâu răng: Tình trạng này thường là hậu quả của việc nhúng ti giả vào trong các loại đồ ăn/đồ uống có đường và sau đó không vệ sinh lại răng miệng cho trẻ. Mặc dù việc này khiến trẻ khá thích thú nhưng sẽ khiến răng và lợi trẻ phải tiếp xúc với đường, gây tích tụ mảng bám và hình thành sâu răng.

– Gây vẩu răng/lệch khớp cắn: Ngậm vú giả sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của răng. Tình trạng lệch khớp cắn sẽ xảy ra tùy vào độ tuổi trẻ sử dụng ti giả. Với trẻ sơ sinh thì ảnh hưởng tới khớp cắn không rõ rệt, tuy nhiên đối với những bạn trên 2 tuổi lạm dụng ti giả sẽ xuất hiện tình trạng khớp cắn hở. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng khớp cắn hở xuất hiện ở 71% số trẻ tiếp tục sử dụng ti giả hoặc mút ngón cái cho đến năm 4 tuổi. Ngược lại, khớp cắn hở chỉ gặp ở 36% số trẻ đã ngừng mút tay hoặc ngừng sử dụng ti giả khi được 3-4 tuổi. Và với những trẻ ngừng mút tay/sử dụng ti giả lúc 2 tuổi, tỷ lệ này chỉ là 14%.

Việc sử dụng ti giả trong thời gian dài sẽ ép răng của trẻ di chuyển và thậm chí là thay đổi hình dạng vòm miệng để thích nghi với sự thường xuyên có mặt của “vật lạ” trong miệng.

Có nên cho trẻ dùng ti giả không?
Tình trạng khớp cắn hở xuất hiện ở 71% số trẻ tiếp tục sử dụng ti giả hoặc mút ngón cho đến năm 4 tuổi

CÁCH DÙNG TI GIẢ KHÔNG GÂY RA VẤN ĐỀ RĂNG MIỆNG 

Dù dùng ti giả có thể gây ra vấn đề răng miệng, vậy có nên cho trẻ dùng ti giả không? Trên thực tế, chúng ta có thể tránh các vấn đề về răng miệng khi dùng ti giả của bé. Để việc sử dụng ti giả không ảnh hưởng đến cấu trúc răng của trẻ, ba mẹ cần lưu ý những điều sau đây: 

Độ tuổi cho bé dùng ti giả 

Theo nhiều khuyến cáo, không nên dùng ti giả nên cho trẻ trong vòng ít nhất 3 – 4 tuần đầu. Với phần lớn những trẻ bú sữa mẹ, không nên dùng cho trẻ dưới 8 tuần dùng ti giả. Trẻ bú mẹ trong thời gian đầu sẽ giúp mẹ hình thành nguồn cung sữa tốt hơn và không bị mất sự kích thích sữa từ bé. Nếu trẻ chuyển qua ngậm ti giả thì sẽ giảm bú mẹ, từ đó giảm kích thích cho sữa mẹ về. 

Nếu trẻ sinh đủ tháng bình thường, mà ba mẹ muốn cho trẻ ngậm ti giả trước 1 tháng tuổi, thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn hợp lý. Sau khi trẻ được 6 tháng tuổi, nên xem xét cai ti giả từ từ cho trẻ. Muộn nhất là khi trẻ được hơn 1 tuổi, trẻ nên được cai ti giả hoàn toàn.

Tần suất sử dụng ti giả 

Khi trẻ đến giai đoạn trẻ đã cai sữa, trẻ hay quấy khóc và thiếu đi cảm giác an toàn do không được gần mẹ. Bởi vậy, việc sử dụng ti giả sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Ngoài ra, sử dụng ti giả sẽ giúp lưỡi của trẻ linh hoạt hơn và thuận tiện cho việc ăn uống. Tuy nhiên, khi trẻ có nhu cầu mút, trước khi cho trẻ ngậm ti giả thì ba mẹ nên xem trẻ có đói bụng, mệt hay không. Nếu có thì phải giải quyết nhu cầu này của trẻ trước, chứ không nên cho trẻ ngậm ti giả ngay.

Chỉ dùng ti giả khi bé không đói

Tốt nhất là bạn nên cho bé ngậm ti giả giữa các bữa ăn, khi biết chắc là con không đói. Tốt nhất, ba mẹ cần tránh sử dụng ti giả như một cách để trì hoãn việc cho bé bú hoặc thay thế sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Thay vào đó, ti giả sẽ hữu ích trong những trường hợp bé cần được vỗ về. Chẳng hạn như khi ba mẹ đi mua hàng tại siêu thị hoặc ngồi trên xe. 

Có nên cho trẻ dùng ti giả không
Ba mẹ chỉ nên cho trẻ ngậm ti giả khi chắc chắn bé không bị đói 

Không ép bé ngậm ti giả 

Thay vì đưa ti giả trực tiếp vào miệng bé, mẹ hãy để con quyết định việc đó. Nếu con nhận ngay thì không sao, nhưng nếu con từ chối thì mẹ cũng đừng nên gò ép. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc đơn giản là tìm cách khác để bé vui vẻ và thích thú hơn. Nếu mẹ ép con sẽ khiến bé không hợp tác khi ngậm ti giả. Đây cũng chính là 1 yếu tố có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và cấu trúc răng của trẻ. 

Không đeo ti giả trên người con 

Bố mẹ đừng buộc ti giả quanh cổ hoặc để trên nôi của con. Nếu có thói quen ngậm ti giả, bé sẽ tìm kiếm khi thấy nó. Điều này có thể khiến bé vô tình siết cổ mình lại bằng những dây buộc đó. Hơn nữa, việc này làm cho ti giả dễ tiếp xúc với vi khuẩn dễ dàng, gây ảnh hưởng đến bé khi ngậm.

Sử dụng ti giả trong thời gian hợp lý

Có nên cho trẻ dùng ti giả không? Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khẳng định rằng, sử dụng ti giả sau 2 tuổi sẽ gây ra các vấn đề về răng lợi cho trẻ. Nhưng những vấn đề này có thể sẽ giảm và mất đi nếu trẻ ngừng hành động mút trước khi răng vĩnh viễn mọc.

Hiệp hội Nha khoa trẻ em tại Hoa Kỳ khuyến nghị rằng nên dừng sử dụng ti giả muộn nhất là 3 tuổi. Khuyến cáo được đa số các bậc phụ huynh đồng ý đó là khi trẻ đủ 4 tuổi, trẻ không nên sử dụng ti giả dưới bất cứ hình thức nào vì nguy cơ mắc bệnh răng lợi sẽ cao hơn.

Nên tiệt trùng ti giả cho bé khi dùng

Trước khi cho trẻ ngậm ti giả, ba mẹ nên tiệt trùng nó bằng cách trụng nước sôi khoảng 5 phút, sau đó để nguội mới cho trẻ ngậm. Hoặc ba mẹ cũng có thể tiệt trùng ti giả bằng các máy tiệt trùng chuyên dụng.  Hằng ngày, mẹ phải rửa xà phòng ti giả sau mỗi lần bé sử dụng, và người lớn không nên mút/liếm ti giả trước khi con ngậm vì nghĩ vậy là sạch, nhưng thực tế, hành động này của ba mẹ có thể khiến các vi trùng từ miệng mình truyền sang bé.

Không nhúng ti giả vào đồ ngọt/đồ ăn khác

Trong trường hợp trẻ không thích dùng, bạn cũng không nên nhúng ti giả vào bất cứ đồ ngọt/ đồ ăn nào để dụ hoặc ép con dùng ti giả. Việc này sẽ khiến lợi và những chiếc răng đầu tiên của trẻ tiếp xúc với đường có thể gây sâu răng.

Chọn đúng kích thước và chất liệu ti giả

Thông thường, kích thước ti giả sẽ đi kèm theo tuổi. Tìm đúng kích thước của ti giả nghĩa là bạn sẽ không sử dụng ti quá to cho trẻ nhỏ và cũng không sử dụng ti quá nhỏ (khiến trẻ có thể ngoạm hết cả ti giả vào mồm, có thể gây hóc, nghẹn).

Có nên cho trẻ dùng ti giả không
Để hạn chế ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ, ba mẹ nên chọn ti giả phù hợp với độ tuổi

Cân nhắc sử dụng ti giả chỉnh nha 

Nếu lo ngại về việc ti giả có thể gây lệch khớp cắn, bạn có thể lựa chọn sử dụng ti giả chỉnh nha. Loại ti giả này có phần núm ti dẹt mà không phồng lên giống như ti giả thông thường, do vậy hàm của trẻ sẽ ở đúng vị trí hơn khi mút. Tuy nhiên, để tránh các vấn đề về răng lợi, để đảm bảo chắc chắn rằng bạn cai ti giả cho trẻ ở độ tuổi thích hợp.

Ngoài ra quen mút ngón tay thường xuyên cũng gây ra các vấn đề tương tự như sử dụng ti giả. Do vậy, nếu trẻ tiếp tục có thói quen mút ngón tay cái sau 4 tuổi, thì nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng cũng tương tự như trẻ sử dụng ti giả sau 4 tuổi vậy. 

THỜI ĐIỂM KHÔNG NÊN CHO BÉ NGẬM TI GIẢ 

Dùng ti giả có thể trấn an trẻ, nhưng trong một số trường hợp, ti giả sẽ mang đến tác dụng ngược. Do đó, ba mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không nên cho bé ngậm ti giả trong những tình xuống dưới đây: 

  • Bé đang có vấn đề tăng cân
  • Bé bị nhiễm trùng tai giữa
  • Khi trẻ đã lớn hơn, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ tạm biệt núm vú. Vì nó sẽ giúp trẻ tránh những nhược điểm gây ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khỏe.

Có nên cho trẻ dùng ti giả không? Bài viết này của Ú Òa phần này đã giúp ba mẹ đưa ra ý kiến của riêng mình. Ti giả tốt cho việc trấn an bé, tuy nhiên cũng có thể để lại di chứng. Tốt hơn cả là ba mẹ cần chọn đúng ti giả phù hợp với bé, và tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn cách dùng. Cẩn trọng hơn, để an toàn cho con, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có nên cho bé dùng ti giả hay không nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *