Chủ đề cho mẹ

Chăm trẻ 1-2 tuổi ăn uống: Cần lưu ý những gì?

Trẻ thường bắt đầu làm quen với việc tự ăn khi được 1 tuổi. Khả năng nhai nuốt tốt giúp trẻ ăn được những món giống các thành viên trong gia đình.

Với trẻ 1-2 tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng, đồng thời góp phần tăng đề kháng. Tuy nhiên, các thực phẩm khác lại đóng vai trò chính trong việc cung cấp dinh dưỡng và năng lượng.


Con có thể ăn những gì?


Trẻ ở độ tuổi này đã có thể ăn các món như người lớn. Vì vậy, bố mẹ có thể cho con ăn một phần trong các món ăn của gia đình, miễn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch sẽ và bổ dưỡng.
Hãy chắc chắn khẩu phần ăn của con có đạm động vật (sữa, trứng, thịt, cá...), kết hợp các loại đậu (đậu xanh, đậu Hà Lan...) hoặc các loại rau, hạt và trái cây có màu xanh, cam. Bạn có thể thêm một chút dầu hoặc mỡ khi chế biến để cung cấp năng lượng. Ngoài ra,  cần đảm bảo các món ăn nhẹ của con cũng lành mạnh, lý tưởng nhất là trái cây tươi. 

Ăn bao nhiêu là đủ?


Trẻ có thể ăn 3/4 đến một bát nhỏ thức ăn, 3-4 lần/ngày, kết hợp 1-2 bữa ăn nhẹ xen giữa. Nếu không cho con bú, mẹ có thể để con ăn nhiều hơn.
Khi được một tuổi - giai đoạn bắt đầu biết đi, lịch ăn của trẻ nên bao gồm 4-5 bữa/ngày, kết hợp 2 bữa ăn nhẹ lành mạnh. Các sản phẩm từ sữa là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn của trẻ. Vì vậy, mẹ có thể cho trẻ uống 1-2 cốc sữa/ngày.


Cần tránh thực phẩm gì?


Mẹ không nên cho trẻ ăn đồ ăn vặt và uống nước ngọt. Các loại đồ ăn vặt đóng gói như khoai tây chiên, bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt và kẹo đều không tốt cho sức khỏe. Chúng có lượng đường, muối, chất béo và hóa chất cao, đồng thời khiến dạ dày trẻ không còn đủ chỗ chứa những thực phẩm bổ dưỡng.

Lời khuyên trong bữa ăn


Việc có bát riêng sẽ giúp trẻ học cách tự ăn. Hãy kiên nhẫn tập cho trẻ ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng, mỗi ngày một chút. Ban đầu, trẻ có thể ăn chậm và bày bừa. Lúc này, hãy hướng dẫn con đưa thức ăn lên miệng thay vì bôi lên người hoặc ném xuống sàn, khuyến khích con ăn hết với một thái độ tích cực.
Bạn có thể ngồi đối diện con và thực hiện những cuộc “đối thoại” bằng cả ánh mắt. Hãy mỉm cười thường xuyên, nói chuyện và đưa ra những lời khen ngợi để biến bữa ăn thành khoảng thời gian vui vẻ.


Làm gì khi con không chịu ăn thô?


Trong trường hợp này, ba mẹ cần đảm bảo bé đang đói vào giờ ăn. Cho bé các món ăn thô, đặc chứ đừng chỉ ăn nhẹ (uống sữa, hoa quả…). Nuôi con bằng sữa mẹ vẫn tốt cho sức khỏe của trẻ, nhưng mẹ chỉ nên cho con bú sau bữa ăn. Ở độ tuổi này, trẻ nên ăn đồ thô, đặc trước. 

Mẹ nên cho con ăn những thực phẩm lành mạnh mà con thích, hoặc trộn lẫn thức ăn trẻ thích với thức ăn trẻ không thích bằng cách “biến tấu” một chút sao cho phù hợp. Nếu trẻ vẫn từ chối, đừng ép buộc hay gây áp lực. Thay vào đó, mẹ có thể cắt giảm đồ ăn vặt để bé có cảm giác đói vào giờ ăn.
Hãy bình tĩnh, động viên trẻ khi ăn; đừng coi cái lắc đầu của bé là vấn đề. Nếu con không muốn ăn, ba mẹ hãy tạm cất đồ đi và thử lại sau chốc lát nữa.

 
                                                                                                                                                                                     Theo UNICEF

Lên đầu trang
Hỗ trợ 24/7
Tư vấn
Trang chủ Tin tức Danh mục Tư vấn Giỏ hàng